CHLAMYDIA – Căn bệnh nhiễm trùng “thầm lặng”

I. Giới thiệu

Chlamydia là một bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Tại Hoa Kỳ, đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn được báo cáo phổ biến nhất. Nó gây ra bệnh nhiễm trùng mắt được gọi là “mắt hột”, là nguyên nhân truyền nhiễm hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới.

Ở nữ giới, cổ tử cung là vị trí giải phẫu thường bị nhiễm trùng nhất, xuất hiện các biểu hiện như viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo, bệnh viêm vùng chậu, viêm quanh miệng hoặc viêm vòi trứng. Nhiễm Chlamydia ở phụ nữ, đặc biệt nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ vô sinh và chửa ngoài tử cung. Có nhiều rủi ro nếu phụ nữ bị nhiễm trùng khi mang thai, sau khi sinh em bé qua đường âm đạo thì em bé có thể bị viêm kết mạc và/hoặc viêm phổi.

Ở nam giới, nhiễm Chlamydia trachomatis có thể dẫn đến viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, hoặc viêm khớp phản ứng. Cả nam và nữ bị nhiễm Chlamydia trachomatis cũng có thể bị viêm kết mạc, viêm họng và bệnh hột xoài (hay bệnh u hạt lympho sinh dục). Bệnh hột xoài (LGV), gây ra bởi các huyết thanh khác biệt của Chlamydia trachomatis, là một bệnh ít phổ biến hơn, đặc trưng bởi các hạch bạch huyết mở rộng hoặc viêm màng não nghiêm trọng.

Tỷ lệ chung của nhiễm trùng niệu sinh dục ở phụ nữ Hoa Kỳ gấp hai lần nam giới Hoa Kỳ, với tỷ lệ hiện mắc cao hơn ở phụ nữ 15-24 tuổi và tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở nam giới từ 20-24 tuổi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 1. Vi khuẩn Chlamydia trachomatis là nguyên nhân chính gây ra bệnh Chlamydia

II. Sinh lý bệnh

Chlamydia là vi khuẩn duy nhất có một chu kỳ lây nhiễm và hai dạng phát triển. Chúng bao gồm dạng lây nhiễm được gọi là thể sơ cấp và thể dạng lưới. Thể sơ cấp không hoạt động về mặt trao đổi chất và được các tế bào chủ tiếp nhận. Trong tế bào chủ, thể sơ cấp sẽ biệt hóa thành thể dạng lưới để hoạt động chuyển hóa. Thể dạng lưới sau đó sẽ sử dụng các nguồn năng lượng và axit amin của vật chủ để tái tạo và hình thành thể sơ cấp mới, sau đó có thể lây nhiễm sang các tế bào khác. Chlamydia trachomatis nhắm mục tiêu vào các tế bào biểu mô vảy và đường sinh dục trên ở phụ nữ; kết mạc, niệu đạo và trực tràng ở cả nam và nữ. Vi khuẩn này lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với mô bị nhiễm bệnh, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng, và thậm chí có thể truyền từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở.

III. Dấu hiệu và triệu chứng

Đa số bệnh nhân nhiễm Chlamydia đều là ổ chứa bệnh không có triệu chứng. Biểu hiện của bệnh thường rất “thầm lặng”, nhẹ hoặc không rõ ràng, một số ít bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc vào vị trí nhiễm trùng khi bệnh đã tiến triển nặng hơn.  Trong đó, tỷ lệ nữ viêm âm đạo do Chlamydia khoảng 25% – 50%, ở nam giới thường xuất hiện những triệu chứng sớm.

Thông thường trong 1 – 3 tuần sau khi tiếp xúc bệnh sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến như:

  • Viêm cổ tử cung: Khoảng 70% phụ nữ sẽ không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ như tiết dịch bất thường ở âm đạo, chảy máu, đau bụng và khó tiểu. Chảy máu nội mạc cổ tử cung, có mủ kèm theo tiết dịch có màu sắc và mùi bất thường.
  • Viêm vùng chậu: Đau thắt bụng dưới hoặc vùng chậu và đau lưng, thường kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, ớn lạnh, sốt.
  • Viêm niệu đạo: Thường gặp nhất ở nam giới. Biểu hiện bằng chứng khó tiểu (đau rát ở dương vật) và tiết dịch niệu đạo, thường có màu trắng đục, xám, hoặc đôi khi trong suốt. Rối loạn xuất tinh, tinh dịch loãng hoặc có kèm theo máu bất thường. Tình trạng nóng rát và ngứa lan rộng ở đầu dương vật.
  • Viêm cầu thận: Còn được gọi là hội chứng Fitz-Hugh-Curtis, hội chứng này xảy ra khi nhiễm Chlamydia dẫn đến viêm nang gan và các bề mặt phúc mạc lân cận. Hội chứng này thường thấy nhất ở những bệnh nhân bị viêm vùng chậu, có liên quan đến đau hạ sườn phải hoặc màng phổi.
  • Viêm mào tinh hoàn: Thông thường, nam giới sẽ có biểu hiện đau và căng tinh hoàn một hoặc hai bên, có thể sờ thấy sưng mào tinh hoàn và sốt, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến vô sinh.
  • Hội chứng Reiter: gồm các triệu chứng viêm khớp, mắt đỏ và các bất thường đường tiết niệu.
  • Viêm tuyến tiền liệt: ảnh hưởng đến chức năng và chất lượng hoạt động của tinh hoàn dẫn đến tinh trùng được xuất ra không khỏe mạnh để thụ thai.
  • Viêm phổi: Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm Chlamydia trachomatis ở cổ tử cung có thể sẽ bị viêm phổi. Có thể nhận biết được từ 4 đến 12 tuần tuổi, mặc dù hầu như tất cả trẻ sơ sinh đều có các triệu chứng trước tám tuần. Nghẹt mũi và ho là triệu chứng thường gặp, và một số trẻ sơ sinh có thể có dịch mũi đặc. Trẻ sơ sinh thường không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, trẻ có thể thở nhanh và có thể có cơn ho kịch phát đặc trưng và có thể thấy các cơn ngưng thở ở trẻ sinh non.
  • Bệnh hột xoài (hay bệnh u hạt lympho sinh dục): Bệnh nhân sẽ xuất hiện các vết loét ở bộ phận sinh dục nhưng không đau. Các vết loét thường có hình sao, nhỏ và phát triển thành bệnh nổi hạch ở bẹn.
  • Đối với tình trạng nhiễm Chlamydia khi quan hệ bằng miệng, có thể thấy xuất hiện mụn nước ở họng của cả phụ nữ và nam giới. Người bệnh nên thăm khám ngay nếu như xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng sau:
  • Phụ nữ: Thân nhiệt tăng cao, bị sốt, đau bụng và tiết dịch âm đạo. Nếu không được can thiệp sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng đến cổ tử cung, tử cung và vòi trứng, tăng nguy cơ hiếm muộn – vô sinh.
  • Nam giới: Sốt cao kèm theo dịch mủ, kèm lẫn máu tiết ra từ dương vật. Tình trạng này tiến triển lâu dài có thể gây đe dọa đến chức năng của tinh hoàn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 2. Chlamydia gây ra tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường

IV. Nguyên nhân lây lan bệnh Chlamydia

Lây lan trực tiếp qua việc quan hệ tình dục không an toàn như đường âm đạo, hậu môn và miệng. Bạn tình càng nhiều, nguy cơ nhiễm càng cao. Chlamydia cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con thông qua việc mẹ mắc bệnh khi mang thai. Ngoài ra, vi khuẩn Chlamydia cũng có thể lây lan gián tiếp thông qua nhiều cách như:

  • Sử dụng chung các vật dụng đã bị nhiễm Chlamydia như khăn lau, quần lót, khăn giấy,…
  • Thông qua nguồn nước: tỷ lệ xảy ra cao hơn ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém, bị ô nhiễm.

V. Chẩn đoán

Bởi vì triệu chứng của bệnh do Chlamydia trachomatis không hiện diện sớm nên khi có bất cứ biểu hiện nghi ngờ nào có thể dẫn đến một loạt các bệnh hoặc biểu hiện lâm sàng, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán nhằm điều trị kịp thời, tăng cơ hội khỏi bệnh. Các loại xét nghiệm có thể thực hiện để chẩn đoán bệnh Chlamydia bao gồm:

  • Nuôi cấy phân lập: có độ đặc hiệu và độ nhạy cao (> 99%). Khả năng xác định sự có mặt của các khuẩn lạc nghi ngờ sau khi nuôi cấy từ 24 đến 48 giờ – tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán Chlamydia trong nhiều năm qua.
  • Nhuộm miễn dịch huỳnh quang trực tiếp: phát hiện kháng nguyên Chlamydia bằng kháng thể được gắn với chất nhuộm huỳnh quang, có độ nhạy đạt khoảng 60-85% so với phương pháp nuôi cấy. Độ đặc hiệu có thể đạt được đến 99%.
  • Phương pháp miễn dịch gắn men (ELISA): giúp tìm thấy kháng thể kháng Chlamydia trong máu bệnh nhân làm kích hoạt hệ thống miễn dịch, độ nhạy đạt 60-80%, đặc hiệu 97-99%.
  • Phản ứng khuếch đại chuỗi PCR (Polymerase Chain Reaction), LCR (Ligase Chain Reaction) và khuếch đại qua trung gian phiên mã (TMA): là kỹ thuật có độ chính xác cao nhất. Bệnh phẩm lấy từ cổ tử cung, niệu đạo và nước tiểu. Độ đặc hiệu đạt 99%, độ nhạy dao động từ 70- 100%.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 3. Mẫu bệnh phẩm dùng để xét nghiệm Chlamydia

VI. Điều trị

Mục tiêu của điều trị là ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến nhiễm trùng (ví dụ như vô sinh), để giảm nguy cơ lây truyền và giải quyết các triệu chứng. Chlamydia là bệnh có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Có thể điều trị nhiễm Chlamydia niệu sinh dục không biến chứng bằng Azithromycin hoặc Doxycycline hoặc các lựa chọn thay thế khác bao gồm Erythromycin, Levofloxacin và Ofloxacin.

Bạn tình của bệnh nhân cũng nên làm xét nghiệm và nên được tư vấn về các hành vi nguy cơ cao, tránh hoạt động tình dục trong một tuần sau khi bắt đầu điều trị và nên xem xét làm xét nghiệm HIV. Việc xác minh khả năng chữa khỏi phải xảy ra ba tuần sau khi kết thúc điều trị và nên tiến hành kiểm tra lại sau ba tháng sau khi điều trị. Nếu các triệu chứng vẫn còn sau khi điều trị, nên xem xét đến việc đồng nhiễm với vi khuẩn thứ cấp hoặc tái nhiễm.

  • Các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về điều trị nhiễm Chlamydia sinh dục không biến chứng như sau:
  • Azithromycin 1000 mg uống một liều duy nhất.
  • Hoặc Doxycycline 100 mg uống hai lần một ngày trong 7 ngày, hoặc một trong những lựa chọn thay thế sau: Tetracycline 500 mg uống bốn lần một ngày trong 7 ngày, Erythromycin 500 mg uống hai lần mỗi ngày trong 7 ngày, hoặc Ofloxacin 200-400 mg uống hai lần mỗi ngày trong 7 ngày.
  • Trong trường hợp nhiễm Chlamydia ở hậu môn trực tràng, khuyến cáo của WHO là uống Doxycycline 100 mg hai lần mỗi ngày trong 7 ngày hoặc Azithromycin 1g uống một liều duy nhất.
  • Nhiễm Chlamydia trong thai kỳ: WHO khuyến cáo những điều sau đây để điều trị nhiễm chlamydia trong thai kỳ:
  • Azithromycin được khuyên dùng thay cho Erythromycin, Amoxicillin.
  • Azithromycin 1 g uống một liều duy nhất.
  • Hoặc Amoxicillin 500 mg uống ba lần mỗi ngày trong 7 ngày.
  • Hoặc Erythromycin 500 mg uống hai lần mỗi ngày trong 7 ngày.
  • WHO khuyến cáo những điều sau để điều trị bệnh hột xoài (bệnh u hạt lympho sinh dục):
  • Ở người lớn và thanh thiếu niên bị bệnh hột xoài, đề nghị dùng Doxycycline 100 mg uống hai lần một ngày trong 21 ngày thay vì uống Azithromycin 1 g uống mỗi tuần trong 3 tuần.
  • Thực hành tốt quy định điều trị LGV, đặc biệt đối với những người nam quan hệ tình dục đồng giới và những người nhiễm HIV.
  • Khi có chống chỉ định với Doxycycline, Azithromycin thì Erythromycin 500 mg uống bốn lần một ngày trong 21 ngày là một lựa chọn thay thế.
  • Khi không có lựa chọn điều trị nào khác, Erythromycin 500 mg uống bốn lần một ngày trong 21 ngày là một lựa chọn thay thế.
  • Doxycycline không nên được sử dụng trong thai kỳ.
  • Bệnh ở trẻ sơ sinh: Erythromycin đường uống là phương pháp điều trị ưu tiên cho cả viêm kết mạc và viêm phổi ở trẻ sơ sinh.
  • Azithromycin là một lựa chọn thay thế có thể chấp nhận được.
  • Erythromycin 50 mg/kg uống chia 4 lần trong 14 ngày hoặc Azithromycin 20 mg / kg đường uống hàng ngày trong 3 ngày.

Nguồn:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537286/

Trả lời