UNG THƯ TUYẾN GIÁP VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA TUYẾN GIÁP

Vấn đề bệnh lý của ung thư tuyến giáp dẫn đến tình trạng cường giáp hoặc suy giáp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Điều quan trọng nhất là phải phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt khi bị bệnh. Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy kiểm tra nồng độ hormon tuyến giáp để xác định xem tuyến giáp của bạn có vấn đề gì hay không.

  1. Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp là bệnh mà các tế bào ác tính hình thành trong các mô của tuyến giáp. Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới thường do sự thay đổi hormone ở phụ nữ trong quá trình mang thai kích thích sự hình thành các tế bào dẫn đến bướu giáp và hạch tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp có nhiều loại như ung thư tuyến giáp biệt hóa (bao gồm các khối u biệt hóa tốt, khối u kém biệt hóa và khối u không biệt hóa) hoặc ung thư tuyến giáp thể tủy.

Các khối u biệt hóa tốt (ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang) có thể chữa khỏi được.

Các khối u kém biệt hóa và không biệt hóa thường ít gặp hơn, phát triển và lây lan nhanh chóng nên kém phục hồi hơn

Ung thư tuyến giáp thể tủy là khối u thần kinh nội tiết hình thành trong các tế bào C của tuyến giáp – tạo ra một loại hormon calcitonin có chức năng duy trì mức độ canxi trong máu khỏe mạnh.

  1. Tầm quan trọng của tuyến giáp

Tuyến giáp – một tuyến nhỏ, hình bướm nằm ở cổ là thành phần quan trọng đối với chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, não, gan, thận và da. Nó là một phần của hệ thống nội tiết, lưu trữ và giải phóng hormone vào máu đến các tế bào của cơ thể.

Chức năng của tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuyến giáp chịu trách nhiệm sản xuất hormone để kích hoạt các tế bào hoạt động ở một tốc độ nhất định. Các hormon tuyến giáp điều chỉnh các chức năng quan trọng như thở, nhịp tim, hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, trọng lượng cơ thể, chu kỳ kinh nguyệt, thân nhiệt, mức cholesterol, sự trao đổi chất

  1. Nguyên nhân gây ra ung thư tuyến giáp

Tuổi tác, giới tính hoặc tiếp xúc với bức xạ đều có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Độ tuổi từ 25 đến 65
  • Là nữ
  • Bị nhiễm phóng xạ ở đầu và cổ khi còn nhỏ hoặc tiếp xúc với bụi phóng xạ.
  • Có tiền sử bệnh phì đại tuyến giáp (bướu cổ)
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh về tuyến giáp
  • Có một số tình trạng di truyền như ung thư tuyến giáp thể tủy gia đình (FMTC)
  1. Khi nào nên đi kiểm tra?

Ung thư tuyến giáp có thể không gây ra dấu hiệu và triệu chứng ở giai đoạn đầu, thường phát hiện được khi khám sức khỏe định kỳ. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra khi các khối u phát triển lớn hơn. Kiểm tra nếu gặp những trường hợp sau đây:

  • Có một khối u (nốt) ở cổ.
  • Khó thở.
  • Khó nuốt.
  • Đau khi nuốt.
  • Khàn tiếng.
  1. Xét nghiệm máu chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Định lượng hormon kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu: Một quy trình trong đó lấy mẫu máu kiểm tra để đo lượng hormon nhất định mà các cơ quan và mô trong cơ thể giải phóng vào máu. Một lượng chất bất thường (cao hơn hoặc thấp hơn bình thường) có thể là dấu hiệu của bệnh. Máu cũng được kiểm tra để tìm mức độ cao của hormon calcitonin và kháng thể kháng giáp.

Nguồn:

  1. https://mypvhc.com/the-importance-of-thyroid-function/
  2. https://www.cancer.gov/types/thyroid/patient/thyroid-treatment-pdq#:~:text=Thyroid%20cancer%20is%20a%20disease,the%20risk%20of%20thyroid%20cancer.