Bệnh nghề nghiệp là gì?

Tùy theo từng đặc trưng nghề nghiệp mà về lâu dài, người lao động sẽ đối mặt với nhiều triệu chứng khác nhau mang đặc thù riêng của loại hình nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi. Vậy bệnh nghề nghiệp là gì và chúng được phân loại theo hình thức nào?

I. Bệnh nghề nghiệp là gì và vì sao có bệnh nghề nghiệp?

  1. Khái niệm

– Bệnh nghề nghiệp là một chứng rối loạn (ung thư, rối loạn cơ xương, căng thẳng sau chấn thương…) hoặc những triệu chứng sức khỏe gây ra bởi môi trường làm việc hoặc các hoạt động liên quan đến công việc phải làm.

– Nhìn chung, nếu tỉ lệ mắc các triệu chứng sức khỏe hay rối loạn kể trên xảy ra cao hơn trong cùng một nhóm nghề đặc thù so với tỉ lệ này ở người bình thường thì đó được hiểu là bệnh nghề nghiệp.

  1. Những nguyên nhân và tác nhân nghiêm trọng hóa bệnh nghề nghiệp

a. Nguyên nhân

Bệnh nghề nghiệp thường được gây ta bởi các nguyên nhân cơ bản sau:

– Nguyên nhân vi sinh: vi khuẩn, virus, nấm men, kí sinh trùng, côn trùng, vi khuẩn từ thực vật – động vật…

– Nguyên nhân hóa học: các nguyên tố liên quan đến kim loại nặng như chì, thủy ngân… hoặc độc chất hữu cơ như benzene, isocyanates…

– Nguyên nhân vật lí: do tiếp xúc bức xạ, từ trường hoặc làm việc nhiều trong môi trường nhiệt độ/áp suất cao, môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn…

– Do ảnh hưởng từ các vấn đề xã hội (căng thẳng, bạo lực…) hoặc làm việc trong môi trường lao động không đảm bảo (thiếu ánh sáng, thiết bị không phù hợp…)

b. Tác nhân nghiêm trọng hóa bệnh nghề nghiệp

Ngoài các nguyên nhân kể trên, có thể kể một vài lí do khiến cho bệnh nghề nghiệp trở nên nặng hơn:

– Thời gian làm việc/tiếp xúc/đáp ứng của cơ thể với môi trường làm việc

– Đường xâm nhập vào cơ thể, lượng độc chất phơi nhiễm và mức độ gây độc…

II. Phân loại bệnh nghề nghiệp

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (Internatinal Labor Organization), các loại bệnh nghề nghiệp hiện nay được phân thành 29 nhóm bệnh khác nhau. Tại Việt Nam, bệnh nghề nghiệp được chia thành các nhóm cơ bản sau đây:

Nhóm 1: Các bệnh bụi phổi và phế quản

Nhóm 2: Bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc hóa chất (nhiễm kim loại nặng, hóa chất hữu cơ, asen, hóa chất trừ sâu…)

Nhóm 3: Bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lí (do nhiễm phóng xạ, ô nhiễm tiếng ồn…)

Nhóm 4: Bệnh da nghề nghiệp (viêm loét, chàm, sạm da…)

Nhóm 5: Bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp (bệnh lao, viêm gan, xoắn khuẩn…)

III. Làm thế nào để hạn chế mắc bệnh nghề nghiệp?

Không phải cá nhân nào cũng có cơ hội tìm được một công việc hạn chế được tối thiểu bệnh nghề nghiệp thuộc 5 nhóm bệnh kể trên. Tuy nhiên, những người làm văn phòng hay hoạt động trí não nhiều cũng có thể mắc bệnh nghề nghiệp, chỉ là mức độ bệnh sẽ không nghiêm trọng như những ngành nghề khác. Dưới đây là một số biện pháp để giảm thiểu rủi ro trong phòng tránh bệnh nghề nghiệp:

– Tìm hiểu kĩ các rủi ro tại nơi làm việc (tìm hiểu sản phẩm đang sản xuất, cơ chế vận hành, công việc có yêu cầu vận động/ ngồi nhiều không…)

– Phát triển các hệ thống, chương trình, thủ tục và các quy tắc vận hành được thiết kế và yêu cầu người lao động phải tuân theo

– Người sử dụng lao động phải thông báo tất cả các nguy cơ về phơi nhiễm sức khỏe, đảm bảo sắp xếp xét nghiệm định kì cho nhân viên

– Nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân: nếu làm việc trong môi trường độc hại thì phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, nếu làm việc ngồi nhiều như văn phòng thì tăng cường vận động đi lại để hạn chế đau lưng, giãn tĩnh mạch…

Nguồn:

1.https://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/ /asset_publisher/xjpQsFUZRw4q/content/co-nhung-loai-benh-nghe-nghiep-nao-?inheritRedirect=false

2. https://www.ccohs.ca/oshanswers/hsprograms/occ_hygiene/occ_disease.html

Trả lời