Khác với những loại vaccine khác phải dùng virus giả để ngụy tạo virus cần bị diệt trừ, mRNA vaccine kích hoạt hệ miễn dịch bằng cách “dạy” cho cơ thể tạo ra mẩu protein, hay thậm chí là một phân tử protein hoàn chỉnh. Từ đó, hệ miễn dịch tạo ra kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh từ virus.
I. mRNA vaccine là gì và khác biệt ra sao với vaccine véc-tơ?
– Vaccine véc-tơ (viral vector vaccine) chính là loại vaccine sử dụng một biến chủng virus vô hại để mang mã gen của virus gây bệnh kích hoạt hệ miễn dịch. Một trong những ví dụ tiêu biểu của loại vaccine này là Oxford-AstraZeneca của Anh.
– mRNA vaccine sử dụng công nghệ tách RNA thông tin (viết tắt của cụm từ messenger RNA) để khi xâm nhập vào tế bào, chúng có thể đọc và giải mã thông tin gen để tạo ra protein của virus thật. Khi quá trình được hoàn thành, chúng nhanh chóng bẻ gãy mRNA. mRNA có trong vaccine sẽ không thâm nhập vào nhân tế bào và cũng không thay thế DNA.
– Khi có được thông tin của gen của mRNA cũng như phần protein của virus mà tế bào vừa tổng hợp ra, hệ miễn dịch sẽ biết trước virus gây bệnh trông như thế nào và bật chế độ phòng thủ. Vậy nên, những người khỏe mạnh, không dương tính hoặc không có dấu hiệu phơi nhiễm sẽ không bị nhiễm virus khi được tiêm chủng với loại vaccine này.
II. Cơ chế của mRNA vaccine
mRNA vaccine hoạt động theo 3 bước chính sau đây:
– Khi vaccine được tiêm ở vùng cánh tay, một đoạn mRNA tương ứng của virus gây bệnh (được tách từ mảng protein nhỏ trên màng ngoài của virus) được đưa vào trong cơ thể.
– mRNA của virus trong cơ thể được tế bào sử dụng như một bản thiết kế để tái tạo lại protein của virus gây bệnh. Với một hệ miễn dịch khỏe mạnh, nó sẽ nhanh chóng bị kích hoạt bởi những “kẻ ngoại xâm” và tạo ra kháng thể chống lại virus. Kháng thể sẽ khóa các gai protein trên màng ngoài của virus, làm yếu và tiêu diệt để ngăn không cho virus tiếp xúc vói niêm mạc nội bào.
– Khi kháng thể đã được sản sinh, chúng sẽ được cơ thể giữ lại ngay khi virus đã bị đào thải phòng trường hợp cơ thể bị nhiễm lại chủng virus đó, kháng thể có khả năng nhận biết nhanh và tiêu diệt virus.
Cơ chế tạo kháng thể khi được tiêm chủng bằng mRNA vaccine
III. Các loại mRNA vaccine hiện nay
- Moderna (mRNA-1273)
– Moderna vaccine là sản phẩm của công ty công nghệ sinh học Moderna, Inc. có trụ sở tại Mĩ. Đây là một trong số những công ty lớn nghiên cứu vaccine phòng dịch COVID-19 theo công nghệ gen mRNA ngay sau khi mã gen của virus SARS-CoV-2.
– Moderna là vaccine phòng COVID-19 được thử trực tiếp trên người từ giữa tháng 3/2021. Theo các báo cáo, tỉ lệ phòng ngừa của Moderna khá cao, tới 94.1% khi thử nghiệm cho người trên 18 tuổi. Tuy nhiên, tỉ lệ này còn khoảng 86.4% đối với nhóm người trên 65 tuổi.
– Ngày 29/6/2021, Bộ Y tế Việt Nam chính thức phê duyệt vaccine Moderna khi tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng tăng cao rất nhanh về số ca mắc mới. Moderna trở thành vaccine thứ 5 được Bộ Y tế phê duyệt sau AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer và Sinopharm.
- 2. Pfizer/BioNTech (BNT162b2)
– Nếu như vaccine Moderna thuộc về công ty sở hữu ít nhất 7 bản quyền liên quan tới vaccine (tính cả vaccine phòng dịch) thì vaccine Pfizer là sản phẩm của tập đoàn Pfizer vốn được xem là biểu tượng của ngành dược tại Mĩ. Ngoài ra, Công ty Công nghệ sinh học BioNTech của Đức cũng là đồng sản xuất ra vaccine này.
– Theo các kiểm nghiệm lâm sàng, Pfizer chứng minh hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới 95% trên nhóm người từ 16 tuổi trở lên.
– Một nhược điểm của vaccine Pfizer/BioNTech là cần được bảo quản ở nhiệt độ khá thấp (-70oC), trong khi vaccine Moderna chỉ cần bảo quản ở khoảng -25oC – -15oC.
– Dự kiến trong năm 2021 sẽ có 31 triệu liều Pfizer/BioNTech về Việt Nam, cụ thể là 1 triệu liều trong tháng 7, 3.4 triệu liều trong tháng 8 và 9, còn lại 27 triệu liều còn lại sẽ được cung ứng trong quý IV/2021.
Nguồn:
- https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/different-vaccines/mRNA.html
- https://medlineplus.gov/genetics/understanding/therapy/mrnavaccines/
- https://theconversation.com/what-is-mrna-the-messenger-molecule-thats-been-in-every-living-cell-for-billions-of-years-is-the-key-ingredient-in-some-covid-19-vaccines-158511
- https://vnvc.vn/moderna/
- https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/pfizer-cam-ket-cung-ung-bo-sung-20-trieu-lieu-vaccine-covid-19-cho-tre-tu-12-18-tuoi/