Viêm Gan Siêu Vi B
Viêm gan siêu vi B
Virus viêm gan B có thể tồn tại trong máu và các chất dịch khác của người bệnh gây ra tình trạng viêm gan B mãn tính. Khi đó, người bệnh buộc phải chấp nhận sống chung với virus viêm gan B suốt đời. Chính vì vậy, việc tìm hiểu viêm gan B là gì và phương pháp phòng tránh viêm gan B hiệu quả là điều vô cùng cần thiết.
- Bệnh viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, có thể gây nhiễm trùng gan thậm chí đe dọa đến tính mạng. Hiện nay, virus viêm gan B vẫn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mãn tính. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số.
Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Nếu bệnh xảy ra ở người lớn vẫn có thể điều trị để loại bỏ virus viêm gan B dễ dàng. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn nhiễm virus nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn.
- Những triệu chứng nhận biết bệnh viêm gan B
Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết. Tuy nhiên, kể cả khi không có triệu chứng bệnh gì thì virus viêm gan B vẫn có thể gây tổn hại nặng nề đến gan sau một thời gian phát triển âm ỉ. Do đó, khi tìm hiểu bệnh viêm gan B là gì cần lưu ý những triệu chứng nhận biết bệnh như sau:
- Cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
- Đau nhức xương khớp.
- Thường xuyên buồn nôn, ói mửa.
- Nước tiểu có màu vàng sẫm.
- Đau bụng.
- Phân màu xanh xám, sẫm màu.
- Thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa.
- Vàng da, vàng mắt.
- Có hiện tượng xuất huyết dưới da.
- Đau hạ sườn phải.
- Sưng bụng, chướng bụng.
Viêm gan B nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể phát triển thành suy gan, xơ gan cổ trướng rất nguy hiểm đến sức khỏe.
- Virus viêm gan B lây qua đường nào?
Virus viêm gan B có cơ chế lây nhiễm giống với virus HIV. Tuy nhiên, với những đặc điểm riêng biệt virus viêm gan B được cảnh báo là còn nguy hiểm hơn cả virus HIV.
Nếu như virus HIV không thể tồn tại lâu ngoài cơ thể và không thể lây nhiễm trong môi trường tự nhiên thì virus viêm gan B có thể sống ở ngoài tự nhiên đến 1 tháng.
Cũng giống như virus HIV, virus viêm gan B lây nhiễm chủ yếu qua đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con.
Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm của virus viêm gan B cao gấp 100 lần virus HIV. Dưới đây là 3 con đường lây nhiễm viêm gan B cần lưu ý:
- Lây từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai nếu bị viêm gan B có thể truyền bệnh sang con. Tùy vào từng giai đoạn thai kỳ cụ thể mà tỷ lệ lây truyền sẽ khác nhau. Cụ thể, nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ tỷ lệ lây truyền khoảng 1%. Nếu nhiễm bệnh ở 3 tháng giữa thai kỳ, tỷ lệ mắc bệnh ở thai nhi khoảng 10%.
Nếu thai phụ nhiễm virus viêm gan B ở 3 tháng cuối thai kỳ nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên 70%. Đặc biệt, nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh nguy cơ lây nhiễm sang con lên đến 90%.
- Lây qua đường máu
Virus viêm gan B có thể dễ dàng lây qua truyền máu, hiến máu, tiêm, xăm hình…nếu dụng cụ không được khử trùng đúng cách. Ngoài ra, việc sử dụng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng…với người bị viêm gan B cũng có thể khiến bạn dễ dàng bị lây bệnh.
- Lây qua quan hệ tình dục
Quan hệ tình dục với người bị viêm gan B mà không có biện pháp phòng tránh an toàn cũng khiến bạn có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Virus viêm gan B có thể lây nhiễm thông qua tất cả các hành vi tình dục khác giới hoặc đồng giới.
- Cách phòng tránh viêm gan B hiệu quả
Hiện nay, tiêm vắc xin phòng viêm gan B được coi là phương pháp phòng tránh bệnh hiệu quả nhất. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính chỉ có thể dùng thuốc để kiểm soát tình trạng virus viêm gan B trong cơ thể. Tổ chức WHO khuyến cáo cần tiêm vacxin phòng viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu), tiếp theo là 2 hoặc 3 liều với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là 4 tuần.
Ngoài ra cũng có thể tham khảo một số cách phòng tránh viêm gan B sau:
- Quan hệ tình dục thủy chung, an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm virus viêm gan B.
- Nên đi khám sức khỏe định kỳ để chắc chắn không bị nhiễm bệnh.
- Trước khi có ý định mang thai cả hai vợ chồng cần đi kiểm tra để xác định có bị nhiễm bệnh không.
- Thai phụ cũng cần thăm khám định kỳ trong suốt quá trình mang thai để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.
- Băng kín các vết thương hở để tránh bị lây nhiễm virus viêm gan B.
- Tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm với bất kỳ ai.
- Luôn dùng bơm kim tiêm mới và đã được vô trùng.
- Không tiếp xúc trực tiếp với máu, các vết thương hở, chất dịch của người khác nếu không sử dụng dụng cụ bảo vệ.
- Không xăm hình, làm răng, châm cứu, xăm mắt, xăm môi…tại những cơ sở không uy tín, an toàn.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như: bàn chải đánh răng, kìm bấm móng, bàn chải đánh răng…
- Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách phòng tránh viêm gan B để tránh bị lây nhiễm.
Việc khám sàng lọc gan mật cho phép thực hiện thăm khám, xét nghiệm men gan đồng thời sàng lọc viêm gan B, C….. Sau khi có kết quả, Bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá chức năng gan mật và tư vấn chế độ dinh dưỡng, lối sống khỏe để phòng ngừa viêm gan B.
NGUỒN: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/viem-gan-b-la-gi-cach-phong-tranh-benh-hieu-qua/